CÁC LƯU Ý CẦN GHI NHỚ KHI LẬP BÁO CÁO TÀI CHÍNH CUỐI NĂM
Mỗi cuối năm, các doanh nghiệp thường đau đầu về việc lập báo cáo tài chính cuối năm sao cho đúng pháp luật và tránh các sai sót không đáng có. Vì thế, Phương Nam cung cấp những lưu ý mà các kế toán viên không thể bỏ qua. Cùng tìm hiểu nhé!
- Các lưu ý cần ghi nhớ khi lập báo cáo tài chính cuối năm
Các lưu ý cần ghi nhớ khi lập báo cáo tài chính cuối năm:
- Các khoản chi phí của năm 2022 mà được thanh toán vào đầu năm 2023 => phải ghi nhận vào chi phí năm 2022
Theo nguyên tắc và quy định của Luật thuế TNDN thì chi phí phát sinh năm nào, ghi nhận vào thu nhập tính thuế năm đó. Các khoản chi phí như tiền lương, điện thoại, internet… phát sinh của tháng 12/2022 thì phải ghi nhận vào chi phí của tháng 12/2022, tuy rằng sang tháng 01/2023 mới thanh toán.
- Thực hiện kiểm kê tài sản cuối năm.
Tài sản bao gồm NVL, HH, CCDC,… phải được thực hiện kiểm kê và lập Biên bản kiểm kê tại thời điểm 31/12/2022. Chênh lệch phải được xử lý và ghi nhận vào BCTC năm 2022.
Chi tiết: Các vấn đề về kiểm kê tài sản: Mẫu – Quy trình – Mức phạt
- Thực hiện việc đối chiếu công nợ cuối năm.
Công nợ bao gồm các khoản phải thu (131) phải trả (331), các khoản vay (341) và các khoản tạm ứng (141), phải thu (138) phải trả khác (3388)… phải được lập biên bản đối chiếu cho từng đối tượng, xác nhận, ký trên Biên bản đối chiếu công nợ. Việc này vừa đảm bảo tính chắc chắn của các khoản công nợ, và vừa tránh được việc bỏ sót các khoản chi phí/doanh thu trong năm.
- Thực hiện kiểm kê quỹ tiền mặt cuối năm.
Phải có Biên bản kiểm kê quỹ tại ngày 31/12/2022, sao kê số phát sinh cả năm và số dư cuối của TKNH.
- Thực hiện đối chiếu nợ thuế với cơ quan thuế, nợ BHXH với cơ quan BHXH.
Kế toán cần liên hệ các cơ quan chức năng này để xác nhận tính chắc chắn của các khoản phải trả phải nộp về thuế và BHXH.
- Lương tháng 12/2022 được chi vào tháng 01 năm 2023 => thu nhập này là thu nhập chịu thuế TNCN năm 2023 của người lao động (KHÔNG được phép ghi nhận vào tờ khai QT thuế TNCN 2022).
Theo luật thuế TNCN, thời điểm tính thuế TNCN từ tiền lương tiền công là THỜI ĐIỂM CHI TRẢ. Cho nên lương tháng 12/2022 của NLĐ mà được chi trả vào tháng 01/2023 thì thuế TNCN được khai vào tháng 01/2023 và thể hiện trên quyết toán thuế TNCN 2023.
- Tiền lương năm 2022 thanh toán chậm nhất 31/03/2023.
Các khoản nợ lương 2022 quá 90 ngày (đến 31/03/2023 vẫn chưa thanh toán) theo quy định luật thuế TNDN thì ko được ghi nhận vào chi phí được trừ của năm 2022.
- Thực hiện việc trích trước chi phí, trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, các khoản đầu tư, công nợ khó đòi.
Kế toán các DN nhỏ và vừa thường ít phát sinh các khoản trích trước và trích lập. Nhưng khi có phát sinh thì phải cực kỳ lưu ý nhé.
- Thực hiện việc phân bổ thuế GTGT dùng chung cho hoạt động chịu thuế và không chịu thuế theo tỷ lệ doanh thu cả năm.
Các nguyên tắc khi lập Báo cáo tài chính cuối năm theo thông tư 200:
Nguyên tắc 1: tuân theo các chuẩn mực
Việc lập và trình bày Báo cáo tài chính phải tuân theo các quy định tại chuẩn mực kế toán “trình bày báo cáo tài chính” và các chuẩn mực khác có liên quan. Toàn bộ thông tin quan trọng phải được giải trình cụ thể để người đọc hiểu đúng thực trạng tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Theo chuẩn mực kế toán, việc trình bày báo cáo tài chính phải tuân theo các quy tắc sau:
- Đảm bảo hoạt động liên tục:
- Khi lập báo cáo tài chính, doanh nghiệp cần đánh giá về khả năng hoạt động liên tục của mình. Báo cáo tài chính cần lập dựa trên cơ sở giả định là doanh nghiệp đang hoạt động liên tục, và sẽ tiếp tục hoạt động bình thường trong tương lai gần (trừ khi doanh nghiệp có ý định hoặc buộc phải ngừng hoạt động, thu hẹp đáng kể về quy mô hoạt động).
- Để đánh giá khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp cần dự đoán mọi thông tin tối thiểu 12 tháng tiếp theo kể từ ngày kết thúc niên độ kế toán.
- Cơ sở dồn tích:
- Doanh nghiệp cần lập BCTC theo cơ sở kế toán dồn tích, ngoại trừ thông tin liên quan đến luồng tiền.
- Các giao dịch được ghi nhận vào thời điểm phát sinh không căn cứ vào thời điểm thực thu, thực chi tiền, được ghi nhận vào sổ kế toán và BCTC của các kỳ kế toán liên quan.
- Chi phí được ghi nhận vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí.
- Tính nhất quán: Cách trình bày, phân loại khoản mục trong BCTC phải nhất quán, trừ khi có sự thay đổi đáng kể về bản chất của các hoạt động doanh nghiệp, hoặc khi cần thiết phải thay đổi trình bày các giao dịch và sự kiện cho hợp lý hơn; hoặc có sự thay đổi về chuẩn mực kế toán, yêu cầu phải có sự thay đổi trong việc trình bày BCTC.
- Tính trọng yếu và tập hợp:
- Trong BCTC, các khoản mục quan trọng phải được trình bày riêng biệt. Những khoản mục còn lại sẽ được tập hợp chung với nhau.
- Khi trình bày BCTC, nếu thông tin trọng yếu không được trình bày hoặc trình bày thiếu chính xác thì sẽ ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng BCTC.
- Cách xác định khoản mục trọng yếu: Tùy theo tình huống cụ thể, tính chất và quy mô của các khoản mục sẽ là nhân tố quyết định tính trọng yếu.
- Tính bù trừ:
- Doanh nghiệp cần trình bày riêng biệt tất cả các khoản mục tài sản và công nợ trên BCTC, không được tự ý bù trừ (trừ khi chuẩn mực kế toán khác quy định hoặc cho phép bù trừ).
- Các khoản chi phí, doanh thu chỉ được bù trừ khi được quy định tại chuẩn mực kế toán khác. Hoặc các khoản lãi lỗ và các chi phí liên quan phát sinh từ các giao dịch và các sự kiện tương tự nhau mà không quan trọng.
- Các loại tài sản và nợ phải trả, thu nhập và chi phí có tính trọng yếu phải được báo cáo riêng. Việc bù trừ sẽ khiến người đọc BCTC không hiểu được toàn bộ giao dịch, khó có thể dự tính luồng tiền trong tương lai của doanh nghiệp.
- Có thể so sánh:
- Các thông tin được thể hiện bằng số liệu trên BCTC phải được trình bày tương ứng với các kỳ trước để dễ dàng so sánh giữa các kỳ với nhau.
- Nếu thay đổi cách trình bày hoặc cách phân loại các mục trong BCTC thì phải phân loại số liệu so sánh nhằm đảm bảo khả năng so sánh với kỳ hiện tại.
Nguyên tắc 2: tôn trọng bản chất hơn hình thức
Báo cáo tài chính phải phản ánh đúng bản chất kinh tế của các giao dịch và sự kiện hơn là các hình thức pháp lý của giao dịch và sự kiện đó.
Nguyên tắc 3:
Tài sản không được ghi nhận cao hơn phần giá trị có thể thu hồi. Nợ phải trả không được thấp hơn nghĩa vụ phải thanh toán.
Nguyên tắc 4: Phân loại tài sản và nợ phải trả
Tài sản và nợ phải trả bên Bảng cân đối kế toán phải được trình bày thành: Ngắn hạn và dài hạn. Trong từng phần, các chỉ tiêu phải được sắp xếp theo tính thanh khoản giảm dần.
- Ngắn hạn: Tài sản hoặc nợ phải trả có thời gian đáo hạn còn lại <12 tháng, hoặc một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường kể từ thời điểm báo cáo được phân loại.
- Dài hạn: Những loại tài sản và nợ phải trả còn lại.
Lưu ý: Khi lập BCTC, kế toán phải tái phân loại tài sản và nợ phải trả của kỳ trước.
Nguyên tắc 5: Trình bày rõ ràng
Tài sản và nợ phải trả phải được trình bày riêng biệt, chỉ thực hiện bù trừ khi tài sản và nợ phải trả liên quan đến cùng một đối tượng, có thời gian đáo hạn ngắn, phát sinh từ các giao dịch và sự kiện cùng loại.
Nguyên tắc 6: Phù hợp và thận trọng
Các khoản doanh thu, chi phí, thu nhập phải được trình bày trên BCTC theo nguyên tắc phù hợp và thận trọng. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ phản ánh các khoản mục doanh thu, thu nhập, chi phí và luồng tiền của 1 kỳ báo cáo. Các khoản sai sót của kỳ trước làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh phải được điều chỉnh hồi tố, chứ không điều chỉnh vào kỳ báo cáo.
Nguyên tắc 7:
Khi lập BCTC tổng hợp giữa doanh nghiệp và các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc, số dư các khoản mục nội bộ của bảng cân đối kế toán, các khoản doanh thu, chi phí lỗ lãi được coi là chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch nội bộ sẽ phải được loại trừ.
Trên đây là các lưu ý cũng như những nguyên tắc cần phải tuân theo khi lập báo cáo tài chính cuối năm. Liên hệ ngay với Phương Nam để được giải đáp thắc mắc và tư vấn chi tiết hơn cho doanh nghiệp bạn.